TẠI SAO BẠN KHÔNG NÊN NÓI ƯỚC MƠ CỦA MÌNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Có một người bạn của tôi rất thích nói ước mơ của mình cho tất cả mọi người, gặp ai có cơ hội đều nói, chia sẻ về ước mơ và tuyên bố rằng mình chắc chắn sẽ làm được. Cậu ấy cho rằng nói hết người này tới người khác rồi sẽ có một người cùng chung chí hướng và như vậy cũng để củng cố quyết tâm. Nhưng cậu ấy không nhận ra rằng có những người chẳng thèm muốn nghe, phải ngồi chịu đựng vì không muốn làm cậu ta mất lòng. Đồng thời cũng có những người nói xấu sau lưng vì cho rằng cậu ấy là một tên nói nhiều nhưng làm thì không được bao nhiêu” vì tới giờ này cậu ấy vẫn chưa làm được những gì mình nói. Trong cuốn sách Sức mạnh niềm tin ở trang 148-149. Tác giả Claude M. Bristol cũng bày tỏ quan điểm “không nên nói về ước mơ” :

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng các bạn đừng nói với ai về những gì bạn viết trên những mẫu giấy như thế (mẫu giấy ghi ước mơ tác giả đề cập ở các trang trước) và cũng không nên tiết lộ với người khác về niềm khao khát của bạn. Nếu làm thế bạn sẽ gặp thảm họa đấy! Chỉ khi nào bạn hiểu rõ hơn về khoa học này, bạn mới có thể hiểu sự dao động của ý nghĩ – vì một cách ý thức hoặc vô thức, lòng đố kỵ hay một nguyên nhân nào đó sẽ xuất hiện và vô hiệu hóa ước mơ.

Để dẫn chứng, tôi có một người bạn bác sĩ từng nộp đơn xin vào lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ trong những ngày đầu Chiến Tranh Thế Giới thứ 2, Anh ấy đóng cửa phòng mạch và bảo với mọi người rằng mình sẽ gia nhập Hải Quân. Và thế là anh ấy trở thành người được mọi người quan tâm, mời tham dự tiệc tùng và được tặng vô số quà. Sau này anh ta nói với tôi: “Tôi được bài học nhớ đời rằng không nên nói cho ai biết về khát khao của mình. Phải đến hai năm sau tôi mới nhận được giấy triệu tập, và trong thời gian đó tôi phải mở lại phòng mạch của mình. Thật bối rối khi đã nhận bao nhiêu là quà tặng chia tay như thế, để rồi tôi phải ngồi nhà làm nguội cơn bốc đồng của mình trong suốt hai năm ròng”.

Sự thật là khi nói ra điều bạn sắp làm, bạn sẽ làm suy yếu các nguồn lực của bạn. Bạn sẽ đánh mất các mối liên kết gần gũi với tiềm thức của bạn, và trừ phi bạn làm theo những gì được gợi ý trong cuốn sách này, bạn sẽ phải luôn bắt đầu lại từ đầu các kế hoạch nhằm đặt đạt được các thành tựu mà bạn đặt ra”.

“Đừng nói với bất cứ ai về khao khát của bạn!” Luôn là một lời khuyên đúng đắn.”

Một người khác cũng có quan điểm tương tự là Derek Silvers. Ông sáng lập CD Baby, website âm nhạc với doanh thu lên tới 100 triệu USD. Năm 2003 ông đã đoạt giải thưởng World Technology Award, Esquire magazine’s annual “Best and Brightest”. Ông được mô tả như “người thay đổi cách thức mua bán trong ngành âm nhạc và là anh hùng trong kinh doanh âm nhạc“. Trong video dưới đây ông trình bày thí nghiệm của Peter Gollwitzer:

https://www.ted.com/talks/derek_sivers_keep_your_goals_to_yourself

 

“163 người tham gia 4 thí nghiệm riêng biệt, mọi người được yêu cầu viết ra mục tiêu cá nhân, phân nửa tuyên bố cam kết của họ cho cả phòng và nửa còn lại thì không. Rồi mọi người được cho 45 phút làm việc liên quan để đưa họ gần tới mục tiêu hơn. Nhưng họ được bảo rằng có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Và những người im lặng đã làm việc suốt 45 phút. Trong khi những người nói thì bỏ cuộc sau trung bình 33 phút. (Số liệu mà Derek đưa ra có sai lệch so với của Peter Gollwitzer. Ông thực hiện thí nghiệm đó trên 30 người. Người im lặng 45.65 phút, người nói 41.52 phút nhưng kết quả vẫn giống như Derek mô tả)

 

Một lý do nữa để không nói cho người khác nghe ước mơ của mình được trình bày ở phần cuối của bài viết Tại sao luật hấp dẫn không hoạt động với bạn? bạn hãy xem qua nhé.

Hãy cẩn thận trong việc chia sẻ ước mơ của mình. Hành động quan trọng hơn lời nói. Hãy để thành tựu lên tiếng!

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết.

Nguyễn Viết Vũ – Quyettammanh.vn