CON ĐƯỜNG CHIẾN BINH #2: HỌC TỪ VỊ HOÀNG ĐẾ BẤT BẠI – BẮC BÌNH VƯƠNG QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ

Chúng ta đang làm gì?

Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ (1752 – 1792), tuy chỉ sống 39 năm trên đời ông đã có hơn 20 năm trên chiến trường đánh nam dẹp bắc. Ông là một vị vua anh minh, nhà quân sự đại tài, một vị tướng bất bại –trong cuộc đời cầm quân của mình ông chưa thất bại một lần nào. Năm 1771, khi mới 18 tuổi ông đã xông pha chiến trường. Năm 1778, ông được phong Long Nhượng Tướng Quân khi 25 tuổi.

Còn chúng ta đang làm gì? 18…20…25…rất nhiều người trong chúng ta dành quá nhiều thời gian xem TV, đọc truyện, chơi game…Chúng ta chú ý tới scandal của ca sĩ, diễn viên hơn là tình hình kinh tế, chính trị. Chúng ta cứ mặc cho người khác chi phối mà thậm chí không hề hay biết. Chúng ta lười biếng rèn luyện thể chất và mài dũa tinh thần. Chúng ta đã thực sự thui chột, so với tổ tông chúng ta quá yếu đuối.

 

 

Khát vọng bá vương

Hoàng đế Quang Trung có một chí lớn bao trùm thiên hạ, từ nhỏ ông đã nỗ lực rèn luyện văn, võ với sư phụ là Trương Văn Hiến vốn cũng là một bậc anh hào văn võ song toàn. Ông cùng 2 người anh em là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ cùng nhau làm nên đại nghiệp thống nhất đất nước. Những con người như thế, chí khí ngất trời, không chấp nhận an phận thủ thường, chính họ đã tạo nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Chúng ta hãy có khát vọng? khát vọng là khởi điểm của mọi thứ, không có khát vọng chúng ta trở nên yếu hèn. Chúng ta chọn làm những thứ dễ dàng. Đứng trước những người có khát vọng lớn, chúng ta thật nhỏ bé. Tất cả mọi thành tựu trên đời khởi đầu từ khát vọng. Khát vọng là một thứ đặc biệt, bên trong nó chứa năng lượng và động lực.

Chúng ta phải có khát vọng, chính khát vọng sẽ mở ra con đường dẫn tới những điều mà chúng ta tìm kiếm.

 

 

Hiểu rõ sức mạnh của niềm tin có thể giúp ta điều không tưởng

Chỉ với 10 vạn quân, vua Quang Trung đã đánh tan 29 vạn quân của nhà Thanh, chênh lệch lực lượng 1 chọi 3. Thế nhưng với chiến lược đúng đắn “đánh nhanh, thắng nhanh” cùng sự quả cảm chúng ta đã đánh chúng “giày xéo lên nhau mà chết”.

Hoàng đế Quang Trung hiểu rõ sức mạnh vô địch của niềm tin. Ông biết rằng niềm tin có thể dời non lớp biển, bản thân ông tin tưởng vào thắng lợi và ông đã khiến quân lính tin tưởng vào điều này. Tại Phú Xuân, sau khi làm lễ đăng quang ông sai người mang tới một cái mâm trên có các đồng tiền rồi tuyên bố với quân sĩ: “Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Ngược bằng, có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở.” Đức vua chắp tay khấn, cung kính đưa mâm tiền lên cao rồi hất tung xuống sân. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận ra Bắc sẽ thắng quân Thanh. Thế nên họ đã chiến đấu hết mình, bất chấp cái chết. Quân Thanh không hiểu nổi tại sao quân Tây Sơn lại mạnh mẽ, hùng dũng như vậy “Quân Tây Sơn, hợp lại đông như kiến cỏ, thế lực ồ ạt như triều dâng“, chúng sợ tới hồn xiêu phách lạc. Thực ra ông đã sai đúc 200 đồng tiền có cả 2 mặt đều là mặt sấp.

Tất cả chúng ta hãy tin tưởng vào chiến thắng của bản thân. Chúng ta có thể vươn lên, đạt những điều chúng ta muốn bất chấp hoàn cảnh của chúng ta khó khăn như thế nào. Có thể chúng ta phải cố gắng gấp 3 lần người khác, có thể chúng ta phải hi sinh rất nhiều so với người khác.

 

 

Không sợ chết

Quân Tây Sơn của Hoàng Đế Quang Trung không sợ chết. Những người lính trước khi tham gia vào chiến trận đã biết rằng họ có thể bị giết nhưng họ đã chiến đấu hết mình, không trốn chạy, họ đã sống một cuộc đời anh dũng.

Cái chết của bạn đã được định sẵn, chúng ta không thể biết lúc nào sẽ rời bỏ cuộc đời này, tại sao chúng ta phải trốn chạy khỏi nó. Tại sao không đối đầu hiểm nguy trong các khía cạnh của cuộc sống như công việc, tình yêu…Tại sao không theo đuổi đam mê mà phải sống theo ý của người khác, tại sao chúng ta không sống hết đời với người mình yêu vì những lý do đến từ gia đình, hoàn cảnh…

Người ta hối hận về những thứ mình không làm hơn là những thứ đã làm. Trong xã hội hiện tại, có quá nhiều thứ khiến ta xao nhãng, kéo chúng ta ra khỏi những điều quan trọng, những điều chúng ta thực sự muốn. Chúng ta mắc kẹt với quá nhiều ảo ảnh. Chúng ta cố gắng gây ấn tượng với người chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời của chúng ta, mua những thứ chúng ta không cần để chứng tỏ đẳng cấp. Cuối cùng chúng ta chẳng được gì ngoài những cảm giác thỏa mãn ngắn ngủi.

Suy nghĩ về cái chết là kĩ thuật hiệu quả nhất để hành động. Làm sao bạn biết được ngày mai bạn còn sống? hãy sống với các giá trị thực của bản thân, hãy sống cùng người bạn yêu, chọn làm điều bạn thích. Mọi thứ khác bạn sẽ có cách xoay sở để giải quyết ổn thỏa.

Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về cái chết, bạn có thể xem chương 10 của cuốn Nguyên Tắc 50 – Không sợ hãi

 

 

Không ích kỷ và hèn nhát

Sau những thất bại liên tiếp trước quân Tây Sơn, chỉ vì muốn giữ ngôi báu Lê Chiếu Thống cầu cứu nhà Thanh. Hoàng đế nhà Thanh lúc bấy giờ là Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị sang cứu viện. Mang tiếng là Vua nhưng chuyện gì Lê Chiêu Thống cũng phải xin lệnh Tôn Sĩ Nghị, thậm chí phải chầu chực ngoài cung để gặp hắn, hắn được thế càng tỏ ra khinh thường. Người đời nói rằng “Nước Nam ta từ khi có đế vương đến giờ, không thấy vua nào hèn hạ đến thế.” Chỉ vì lợi ích cá nhân, Lê Chiêu Thống đã quên đi lợi ích của dân tộc “rước voi về giày mả tổ“.

Còn Vua Quang Trung thì khác hẳn, khi thuộc hạ thấy quân Thanh đông nên sợ rằng không đánh nổi. Hoàng đế Quang Trung cười mà nói rằng: “Chúng nó sang phen này, là mua cái chết đó thôi“. Và chính ông đã chỉ huy trận Ngọc Hồi Đống Đa – trận đánh ác liệt nhất lúc này. Ông đã nghĩ tới lợi ích của cả dân tộc. Chính điều này khiến ông được người dân tôn làm anh hùng dân tộc.

Chọn hèn nhát có thể đem lại chút lợi ích cá nhân, nhưng lợi ích đó sẽ không bền vững. Kẻ hèn nhát cuối cùng cũng sẽ lụi bại. Đừng hèn nhát chối bỏ trách nhiệm của mình, tất cả chúng ta sinh ra trước hết có trách nhiệm với bản thân, rồi gia đình và đất nước. Đừng hèn nhát sống bằng tiền của cha mẹ mà không cố gắng học hành, không cố gắng lao động. Đừng hèn nhát ngồi trước màn hình vi tính vui chơi, thỏa mãn dục vọng tầm thường mà quên đi sứ mệnh vĩ đại mà chúng ta phải thực hiện. Đừng hèn nhát chỉ nghĩ cho bản thân mà quên đi lợi ích của tập thể, lợi ích dân tộc.

 

 

Hoàn cảnh càng khắc nghiệt con người càng mạnh mẽ

Các triều đại càng về cuối càng suy vong, do sự lụi bại của thế hệ sau (Đôi khi lịch sử do người chiến thắng viết lại, tuy nhiên Vua của những triều đại cuối, một phần vì thực lực kém hơn nên mới bị lật đổ) . Những anh hùng đoạt được thiên hạ hầu hết là những người được dạy dỗ rất nghiêm khắc hoặc nếm trải đủ mọi khổ ải trên đời. Người dẹp loạn 12 sứ quân Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh mồ côi từ nhỏ, Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn được cha là Trần Liễu mời thầy giỏi văn, võ khắp nơi về dạy bảo biến ông thành một dũng sĩ toàn diện để trở thành Vua. Hoàng đế Quang Trung xuất thân nông dân áo vải nhưng ông đã nỗ lực học tập binh thư, rèn luyện võ học để trở nên bất bại trong thời của ông. Hoàn cảnh càng khắc nghiệt bao nhiêu, con người càng cứng rắn bấy nhiêu.

Không nơi nào rèn luyện tốt hơn địa ngục, nếu bạn ở trong địa ngục hãy cảm thấy may mắn vì điều đó.

Rèn luyện thể chất, mài dũa tinh thần

Danh tướng nhà hậu Trần – Đặng Dung mài gươm dưới trăng

Trong thời hiện đại, suy nghĩ của chúng ta đã thay đổi. Chúng ta thực sự đã đánh mất đi phần nào ý chí chiến đấu. Đặc biệt là đàn ông, hầu hết lúc đó họ là nông dân và chiến binh. Họ khỏe mạnh, giỏi võ, mưu lược. Họ cầm gươm thay vì cầm chuột máy tính, họ xông pha chiến trận giết giặc thay vì ngồi hàng giờ liền giết thời gian trước màn hình bằng những chuyện vô bổ. Chúng ta béo hơn, bệnh tật nhiều hơn, trước vô vàn cám dỗ chiến ý của chúng ta không còn dâng trào nữa. Dĩ nhiên mỗi thời khác nhau, bạn không thể cầm gươm chạy ra đường nhưng hãy sống với tinh thần bất diệt, hào hùng như tổ tông.

Chúng ta hãy rèn luyện thể chất, có rất nhiều cách mà đơn giản nhất là chạy bộ, học võ, chơi môn thể thao yêu thích. Hãy ra ngoài kia và chạy ngay 3 vòng! Chúng ta hãy mài dũa tinh thần, mài sắc trí tuệ bằng cách đọc sách, nghiên cứu về triết lý của những triết gia, danh nhân, tìm cách ứng dụng chúng vào đời sống.

Bằng cách đọc về chân lý, điều hay lẽ phải chúng ta sẽ dần kiểm soát được dục vọng để tránh xa những thứ nguy hại. Sau một thời gian nhất định con người ta sẽ khác. Chúng ta tiến bộ hơn chúng ta của ngày hôm qua.

 

 

Trở thành vị vua của chính bản thân

Chúng ta là hậu nhân của những con người vĩ đại. Tại sao chúng ta không thể thực hiện được ước mơ của bản thân và đất nước. Đừng đầu hàng, đừng gục ngã, ước mơ cần thời gian.

Hãy trở thành vị vua của chính bản thân! Khống chế cám dỗ! Đừng để chúng hủy hoại bạn, đừng để chúng khiến bạn trở nên tầm thường! Đừng chơi đừng ngủ ngày khi ước mơ chưa thành hiện thực!

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết.

Nguyễn Viết Vũ – QuyetTamManh.vn